Long Xá: Thông báo mời tham dự lễ kỷ niệm 5 năm đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp Tỉnh đền Nghĩa Sơn và lễ hội đền Nghĩa Sơn 2024

Thứ năm - 21/03/2024 05:23
Năm 2024, lễ hội đền Nghĩa Sơn xã Long Xá được tổ chức trong 3 ngày. ngày 22,23,24 tháng 3 năm 2024 nhằm ngày 13,14,15 tháng 2 năm Giáp Thìn.Chiều ngày 22 tháng 3 năm 2024 nhằm ngày 13 tháng 2 năm Giáp Thìn: Tổ chức lễ kỷ niệm 5 năm đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp Tỉnh đền Nghĩa Sơn. Ngày 23,24 tháng 3 năm 2024: Nhằm ngày 14,15 tháng 2 năm Giáp Thìn: Tổ chức Lễ Kỳ Phúc – Kỳ Yên – Cầu Ngư Sự. Lễ hội đền Nghĩa Sơn diễn ra với nhiều hoạt động phong phú mang đậm nét văn hóa của cư dân sống bằng nghề sông nước.Trân trọng kính mời toàn thể cán bộ,Đảng viên,nhân dân và du khách thập phương về tham dự lễ hội đền Nghĩa Sơn.
GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA ĐỀN NGHĨA SƠN, XÃ LONG XÁ
 
z5270683584517 e3c40aba6e56a4e731eb982ca4c89a72

            Đền Nghĩa Sơn, xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên được hình thành từ đầu thế kỷ XIX, gắn liền với sự ra đời của ngôi đền thiêng làng Nghĩa Sơn, đền thờ Tam phủ hội đồng, trong đó dòng chính là Thủy phủ. Tín ngưỡng thờ Thủy phủ đã để lại nhiều dấu ấn trong đời sống tâm linh của cư dân sông nước, sống bằng nghề chài lưới trong đó có cư dân làng Nghĩa Sơn, xóm Thành Sơn, xã Long Xá.
            Lễ hội tổ chức hàng năm vào ngày 14, 15 tháng 2 âm lịch, nhân dân làng Nghĩa Sơn đều tổ chức Lễ Kỳ Phúc – Kỳ Yên – Cầu Ngư Sự. Lễ hội đền Nghĩa Sơn diễn ra với nhiều hoạt động phong phú mang đậm nét văn hóa của cư dân sống bằng nghề sông nước.
             Ngày 14/2 âm lịch gồm các phần lễ: Lễ cáo rước, lễ Phụng nghinh thánh đức chiêu nghinh thượng, hạ cận sông Lam, lễ cầu ngư tại bến sông làng, lễ rước linh khí về đền, lễ yên vị, lễ cáo yết. Ngày 15/2: Lễ đại tế. Vào những ngày này, nhân dân cả làng và những người con xa quê đều nô nức hội tụ về đây để tham dự lễ đông đủ. Có 7 dòng họ trong làng thì mỗi năm luân phiên sẽ do 1 dòng họ đảm đương.Tham gia lễ rước là đông đảo bà con làng Nghĩa Sơn và du khách thập phương. Những chàng trai khỏe mạnh sẽ được dân làng lựa chọn đảm trách việc rước Thuyền rồng, Kiệu Bành, Kiệu Long Ngai. Nét riêng ở đây, theo người dân kể lại và quan sát thực tế thấy rằng những người rước kiệu không đi theo một trình tự nhất định mà đi theo sự chỉ dẫn của “các vị thánh thần nhập kiệu”. Vì vậy trong lễ rước những người rước kiệu sẽ đi ngang, dọc, xoay vòng… khoảng 30 phút đến 1 tiếng trước khi lên thuyền.
z5270683567189 10b9827de6a4caea63dc718dd9cde776

             * Phần lễ trên sông:
           - Lễ Kỳ Yên trên sông:
 Sáng ngày 14 tháng 2 âm lịch nhân dân trong vùng tổ chức lễ rước thuyền rồng, kiệu rồng lên thuyền để làm lễ chiêu nghinh thượng, hạ cận với mục đích mời các vị thủy thần về dự lễ Kỳ Yên.
             * Lễ Kỳ Yên
 Đội tế tiến hành làm lễ Kỳ yên trên thuyền. Lễ được tiến hành theo nghi thức truyền thống với các nội dung: khởi chinh cổ, thượng hương, tiến tửu, đọc tấu kỳ yên... Sau khi làm lễ Kỳ yên xong nhân dân mang hến rạy rải xuống sông, đây là lễ “sái hến cầu ngư”. Nghi thức này có ý nghĩa như lễ phóng sinh nhằm cầu mong cho các loài thủy tộc sinh sôi nảy nở để phục vụ cho đời sống của cư dân sông nước.
              *Lễ tống long châu
 Long châu là thuyền rồng được đan bằng các thanh tre, nứa, xung quanh thân thuyền dán giấy màu đủ loại để trang trí cho chiếc thuyền thêm rực rỡ. Trên thuyền có dán các hình nhân bằng giấy màu, được bố trí 2 bên mạn thuyền với tư thế đang chèo thuyền. Trước tiên thầy cúng làm lễ khai quang tức là xua đuổi đi những cái trần tục, ma quỷ, làm cho lễ vật thanh sạch để dâng cho các thần, sau đó là điểm nhãn các con mắt của thuyền rồng, cuối cùng là hát văn khoa tống Long châu và tấu điệp văn tống Long châu. Sau khi cúng xong, thuyền rồng được đưa đến ngã ba sông, thả xuống, và châm lửa đốt nhằm tống khứ đi những điều xấu xa, những rủi ro tai ách, mang lại những sự tốt lành, bình an cho nhân dân trong làng. Chiều ngày 14 tháng 2 âm lịch nhân dân tổ chức lễ rước về, đây là lễ hồi cung thánh giá ( rước thánh hồi cung ), sau đó làm lễ an vị tại đền.
                 - Lễ Yết Cáo

Lễ Yết cáo được tổ chức vào tối ngày 14/2 âm lịch. Trước khi vào lễ, thầy cúng hát hầu văn dâng thánh với văn cúng Mẫu Thủy, văn tả hữu linh quan. Sau đó, đội tế làm lễ yết cáo 1 tuần theo nghi thức cổ truyền. Sau lễ Yết cáo, các gia đình trong làng mang lễ ra đền làm lễ Kỳ yên giải hạn cho gia đình mình.
                   - Lễ Đại tế.
 Sáng ngày 15/2 âm lịch ban khánh tiết, đội tế, cùng nhân dân tập trung tại đền để làm lễ đại tế với 3 tuần rượu ( hành sơ, hành á, hành chung ) và đọc tấu văn ca ngợi công đức của các vị Tam phủ, thành hoàng bản cảnh, đồng thời xin các vị Thành hoàng ban phúc, ban lộc cho toàn dân làng. Các nghi thức tế lễ diễn ra rất trang trọng, tôn nghiêm đậm chất cổ truyền. Là lễ hội của cư dân vùng sông nước nên nghi thức thường được tổ chức rất cầu kỳ với nhiều lễ tục cổ truyền như lễ Kỳ Yên trên sông với lễ rước, lễ chiêu nghinh thượng, hạ cận, lễ tống long châu…., chính vì ý thức gìn giữ tốt mà hầu như các phong tục tốt đẹp của lễ hội đều được bảo lưu.
Lễ Cầu ngư là nghi lễ truyền thống được duy trì lâu đời, thể hiện tính cộng đồng cao nhất, nét văn hóa tiêu biểu của dân làng Nghĩa Sơn, xã Long Xá cần tiếp tục được phát huy, gìn giữ xứng tầm với di tích lịch sử văn hoá cấp Tỉnh./.
z5270683582232 f347dd346b939ad7db180648dc526d64
                                                                                                                                                                                Nguyễn Hằng
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây