KÍNH THƯA:TOÀN THỂ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NHÂN DÂN XÃ NHÀ
CÁC THÂN NHÂN GIA ĐÌNH CHÍNH SÁCH, NGƯỜI CÓ CÔNG
Chiến tranh đã qua đi, đất nước hòa bình, nhưng những đau thương mất mát mà chiến tranh để lại thì không gì bù lấp được. Chúng ta chỉ biết tưởng nhớ những người đã khuất, đã bị thương trong cuộc chiến bằng lòng biết ơn, sự kính trọng lớn lao. Hàng năm, cứ đến ngày 27/7, đồng bào cả nước, lại nhớ về những người lính đã quên mình vì hạnh phúc của nhân dân, vì tương lai của đất nước để mỗi chúng ta có được cuộc sống thanh bình như ngày hôm nay.
KÍNH THƯA: TOÀN THỂ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NHÂN DÂN XÃ NHÀ
CÁC THÂN NHÂN GIA ĐÌNH CHÍNH SÁCH, NGƯỜI CÓ CÔNG
Nhân kỷ niệm 75 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2022) chúng ta ôn lại sự ra đời của ngày thương binh liệt sĩ 27/7, để tuyên truyền cho thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc ta, cũng như sự quan tâm sâu sắc của chủ tịch hồ chí minh, cùng với sự quan tâm của đảng và nhà nước đối với đối tượng thương binh liệt sĩ và người có công với cách mạng từ trước đến nay.
Sau khi Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Khi chính quyền cách mạng đang còn non trẻ thì thực dân Pháp âm mưu trở lại xâm lược nước ta. Kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, giữ gìn độc lập tự do, quân và dân ta ở những nơi thực dân Pháp gây hấn đã chiến đấu anh dũng, chặn lại bàn tay đẫm máu của thực dân xâm lược. Trong cuộc chiến đấu này, nhiều chiến sĩ đồng bào ta đã bị thương, có người đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Nhiều gia đình cùng một lúc phải mất đi cả chồng và các con ngoài mặt trận. Nhiều người vợ trẻ chỉ được hưởng hạnh phúc vợ chồng chưa trọn một ngày, rồi góa bụa cả đời. Khỏi phải nói những thiệt thòi mất mát, nỗi buồn tủi của những người còn sống khi người thân mất đi. Nhưng cũng chính bằng lòng tiếc thương vô hạn ấy, người sống tự nói với lòng mình rằng: "Hãy sống sao cho xứng với người đã khuất". Và rồi đã như thành truyền thống, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã dành tình thương yêu của mình chăm sóc các gia đình liệt sĩ, anh chị em thương binh, bệnh binh một cách tận tình chu đáo.
Chiều ngày 28/5/1946, Hội "Giúp binh sĩ bị nạn" tổ chức một cuộc nói chuyện quan trọng tại Nhà hát thành phố Hà Nội và Hồ Chủ Tịch đã tới dự. Chiều ngày 11/7/1946, tại Nhà hát này đã có một buổi quyên góp quần áo, giầy mũ cho chiến sĩ ngoài mặt trận, mở đầu cuộc vận động " mùa đông chiến sĩ". Tại đây, Bác Hồ đã cởi chiếc áo rét đang mặc để tặng binh sĩ. Ngày 19/12/1946, kháng chiến Toàn quốc bùng nổ, chiến tranh lan ra nhiều vùng, số người bị thương, bị hy sinh tăng lên. Đời sống của chiến sĩ gặp nhiều khó khăn thiếu thốn. Trong tình hình ấy, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định nhiều chính sách quan trọng về công tác thương binh liệt sĩ, góp phần đảm bảo đời sống vật chất tinh thần cho các gia đình chính sách trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến. Tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Tổng Hội Phụ nữ cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ – Thái Nguyên. Nội dung cuộc họp là thực hiện chỉ thị của Hồ Chủ Tịch chọn ngày kỷ niệm Thương binh Liệt sĩ và bảo vệ công tác thương binh liệt sĩ. Sau khi xem xét, Hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm ngày Thương binh toàn quốc, là dịp để đồng bào "tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh".
Trong thư gửi Ban thường trực của Ban tổ chức ngày Thương binh toàn quốc (ngày 27/7/1947), Bác Hồ viết: "Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe doạ, của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập, ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta? Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh". Trải qua hàng chục năm ròng chiến đấu cho lý tưởng "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" mà Đảng và Bác Hồ đã chỉ ra, hàng triệu đồng bào, đồng chí đã hy sinh cả cuộc đời mình, hàng chục vạn người đã cống hiến một phần thân thể của mình, những mất mát ấy không thể bù đắp được.
Thấu hiểu những hy sinh to lớn đó, Người viết: "Máu đào của các liệt sĩ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do". Cho nên đối với "những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng", và Người giải thích: "Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy, mọi người phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt qua tất cả khó khăn, gian khổ hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã để lại".
Việc ban hành và thực hiện Pháp lệnh “Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng” và Pháp lệnh “Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng” đã góp phần to lớn vào việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của đất nước, góp phần ổn định xã hội, tác động sâu sắc làm tăng thêm tình cảm và trách nhiệm của các tầng lớp xã hội trong phong trào toàn dân chăm sóc người có công với cách mạng.
Đảng, Nhà nước ta có chủ trương, chính sách từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng, an dưỡng nhằm đảm bảo và tăng cường chất lượng chăm sóc thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng. Nhiều trung tâm phục hồi chức năng phục vụ thương binh, bệnh binh đã ra đời và hoạt động có hiệu quả tốt. Nhà nước đã tạo điều kiện và hỗ trợ nhiều cơ sở nghiên cứu, sản xuất phương tiện chuyên dùng cho thương binh và người tàn tật vì chiến tranh như chân giả, tay giả, xe lăn, nạng chống, giày dép, chỉnh hình... Nhà nước đã tổ chức xây dựng nhiều trường học, cơ sở đào tạo, trung tâm thực hành và các xưởng sản xuất phục vụ việc đào tạo, dạy nghề, sản xuất, kinh doanh dành cho các đối tượng thân nhân liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng.
Ngày nay, công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ đã phát triển rộng khắp cả nước với nhiều chương trình như: xây nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, chăm sóc thương binh, chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng... Cả nước đã xây dựng hàng chục nghìn công trình tình nghĩa với giá trị nhiều nghìn tỷ đồng, với hơn 2.000 nhà bia tưởng niệm ghi tên liệt sĩ, gần 3.000 nghĩa trang liệt sĩ, nhiều nghĩa trang liệt sĩ đã trở thành những công trình văn hóa - lịch sử.
Trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc, với truyền thống cách mạng kiên cường của quê hương xô viết anh hùng. Đảng bộ và nhân dân Nghệ An, Hưng Nguyên nói chung và xã Long Xá nói riêng đã có những đóng góp to lớn về sức người, sức của góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc, sau khi kết thúc chiến tranh Nghệ An đã có hàng vạn liệt sỹ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng.
Trong những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, xã Long Xá là điểm xuất phát phong trào cách mạng 1930 – 1931, gắn liền với sự tích cây Trôi, là tiếng trống phát hiệu lệnh cho cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, là nơi che dấu đùm bọc các cơ quan, ban ngành của các cấp, nhân dân, khi chiến tranh ác liệt đã về đây sơ tán. Là xã làm tốt công tác chính sách hậu phương quân đội, đặc biệt đã động viên hàng trăm thanh niên ưu tú lên đường nhập ngũ, ra tiền tuyến chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, cho đến lúc kết thúc chiến tranh giải phóng dân tộc bảo vệ Tổ quốc.
KÍNH THƯA: TOÀN THỂ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NHÂN DÂN XÃ NHÀ CÁC THÂN NHÂN GIA ĐÌNH CHÍNH SÁCH, NGƯỜI CÓ CÔNG
Cùng với cả nước, hướng tới kỷ niệm 75 năm ngày thương binh liệt sỹ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Long Xá quyết tâm thực hiện tốt các chính sách của Đảng và nhà nước đối với người có công với cách mạng, Dẫu biết còn nhiều khó khăn, thử thách song với truyền thống giàu lòng yêu nước, nhân ái và thủy chung sự đồng thuận thống nhất và đoàn kết với tất cả trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng của các cấp ủy Đảng và chính quyền nhân dân xã Long Xá quyết tâm đưa công tác đền ơn đáp nghĩa trở thành hoạt động chính trị sâu rộng trên toàn xã trong năm 2022.
Đảng bộ và nhân dân, con em xa quê, đời đời nhớ ơn công lao to lớn của các anh hùng liệt sỹ, anh chị em thương binh, bệnh binh, bà mẹ VNAH và người có công với nước. Để thực hiện đạo lý “ Uống nước nhớ nguồn ” Đảng bộ và nhân dân xã nhà, con em xa quê đã góp công, góp sức của xây dựng nhà bia Liệt sỹ, xây dựng khôi phục di tích Đền Xuân Hoà, một khuôn viên đẹp đẽ. Trong những năm qua với sự nhiệt huyết của lãnh đạo địa phương đã tranh thủ được nguồn hỗ trợ của Nhà nước và ngồn quỹ đền ơn đáp nghĩa, tiếp tục nâng cấp tu sữa nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ;
Bằng nguồn quỹ “ Đền ơn đáp nghĩa ” nhiều năm qua chúng ta đã xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa và tặng quà nhân ngày lễ, tết đối với các đối tượng và gia đình người có công với cách mạng gặp khó khăn, hoạn nạn, tu sữa nhà bia tưởng niệm Liệt sỹ, chăm sóc mẹ VNAH, bố mẹ liệt sỹ cô đơn, thương, bệnh binh nặng, con thương binh, liệt sỹ được ưu đãi học tập và giải quyết việc làm …
Cùng với chính sách ưu đãi của Nhà nước, sự hỗ trợ giúp đỡ của cộng đồng xã hội, điều rất đáng trân trọng là sự vươn lên vượt khó khăn của bản thân anh, chị em thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ.
Hàng năm, ngày thương binh, liệt sĩ 27/7 đã trở thành một ngày toàn dân tưởng nhớ, tri ân những người có công với nước. Đảng và Nhà nước đã có những chính sách ưu đãi về cả vật chất lẫn tinh thần đối với người có công cũng như gia đình và con em của họ. Nhưng tưởng nhớ, tri ân với người có công với nước không chỉ một ngày, một đợt, một lễ kỷ niệm mà cần hơn là những việc làm thiết thực, thường xuyên để giúp gia đình con em những người đã hi sinh, mang thương tật vơi bớt khó khăn trong cuộc sống. Phải coi ngày 27/7 hàng năm là ngày lễ tri ân những người có công với nước, ngày mà những người còn sống mãi mãi không được quên. Mặt khác, phải thể hiện lòng tri ân một cách thiết thực, hiệu quả trong suốt năm, coi việc mình làm cho thân nhân liệt sĩ, thương binh là làm thay những người con ưu tú đã hi sinh vì Tổ quốc, vì mình, vì cả dân tộc Việt Nam.
KÍNH THƯA: TOÀN THỂ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NHÂN DÂN XÃ NHÀ CÁC THÂN NHÂN GIA ĐÌNH CHÍNH SÁCH, NGƯỜI CÓ CÔNG
kỷ niệm 75 năm ngày TBLS, 27/7/2947 – 27/7/2022 là dịp để đảng bộ, chính quyền nhân dân xã Long Xá bằng những hành động thiết thực, hiệu quả của mình thể hiện tình cảm, trách nhiệm, sự tri ân sâu sắc đối với những người đã hy sinh, cống hiến cho nền độc lập dân tộc, tự do của tổ quốc. Trong cuộc kháng chiến của đất nước, dân tộc chống họa xâm lăng theo lời kêu gọi của Đảng, bác hồ kính yêu, phát huy truyền thống quê hương Long Xá đã có hơn 2568 lượt người lên đường nhập ngũ, hàng trăm thanh niên xung phong ra trận,. Hòa bình lập lại nhưng có 340 người đã nằm lại nơi chiến trường, 358 thương bệnh binh, 197 người tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, có 795 gia đình và người có công với các mạng. 2193 người được tặng huân chương kháng chiến,
Nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày TBLS, Đảng uỷ - HĐND – UBND – UBMTTQ xã Long Xá kính chúc các gia đình liệt sỹ, các đồng chí thương binh, bệnh binh, người hưởng chế độ chất độc da cam, các gia đình có công với cách mạng lời chúc sức khoẻ, tiếp tục phấn đấu trong lao động sản xuất, xây dựng có nhiều công dân kiểu mẫu, gia đình chính sách kiểu mẫu góp phần xây dựng quê hương Long Xá ngày càng ấm no, văn minh, Hạnh phúc.
Trên đây là nội dung tuyên truyên nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày TBLS, xin chân thành cảm ơn toàn thể cán bộ, Đảng viên, nhân dân xã nhà đã chú ý lắng nghe.
Xin trân trọng cảm ơn!
Nguyễn Hằng